Cao ban long còn gọi là lộc giác giao, có tên khoa học là Colla Cornus Cervi được chế từ gạc hay lộc giác (sừng) của hươu, nai bằng cách nấu với nước, cô đặc thành cao mềm hoặc cao khô, có độ ẩm khoảng 14-15% (ban là đốm, long là rồng, ý nói cao chế từ loài động vật quý: Rồng có đốm)…
Cao ban long (CBL) là một trong những vị thuốc hàng đầu được sử dụng lâu đời trong nền y dược học Phương Đông. Thành phần có vị ngọt, mặn, tính âm, tác dụng vào hai kinh: Can và thận, không độc, bổ trung, ích khí, cường tinh, bổ dương, hoạt huyết, phục hồi não suy, cầm máu, mạnh gân cốt, giảm loãng xương, bồi dưỡng sức khoẻ, chống suy nhược v.v…
Trong sách của Hải Thượng Lãn Ông có ghi “Cao gạc hươu nai có tên là bạch giao, bổ trung, ích khí, uống lâu nhẹ mình, hoạt tinh, cầm máu, tăng tuổi thọ, nhiều thịt, tươi mặt, mập khoẻ, chủ yếu dùng trị nội thương, nhọc mệt, eo lưng đau, thổ huyết, băng huyết, chân tay đau nhức, ra mồ hôi, ngã gẫy tổn thương, trẻ nhỏ có thể dùng để hỗ trợ cho những trường hợp như chậm tăng trưởng, còi xương, chậm phát dục, chậm mọc răng, thể tạng gầy yếu…
Do cao ban long có nhiều tác dụng quý nên từ trước tới nay đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đã được ghi trong các sách và tài liệu chuyên ngành: Trong gạc hươu, nai có chứa 52,50% protid, 2,50% lipid, chất keo (keratin). Thành phần chủ yếu của cao ban long là kerarin, một chất cùng loại với gelatin.Thành phần hoá học chủ yếu của keratin thay đổi tuỳ theo nguồn gốc, nhưng chứa rất nhiều sulfur dưới hình thức acid amin. Khi thuỷ phân keratin cho nhiều acid amin như cystein, tyrosin, leucin, acid glutamic, alinin, lysin và glycocol…
Những acid amin như acid glutamic, lysin, cystein, acid glutamic, alinin và tyrosin là những acid amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa giải thích một cách đầy đủ tác dụng quý của cao ban long và do đó gạc hươu, nai, CBL vẫn đang là một đề tài hấp dẫn. Gần đây, một số nhà khoa học CHLB Đức cho rằng: Chỉ có loài hươu, nai đực mới mọc lại sừng và cho rằng đây là hiện tượng tế bào gốc , liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ khi dùng cao ban long?
Hiện nay, một số nước có truyền thống phát triển mạnh nền y học cổ truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Cao ban long vẫn được coi như vị thuốc quý dùng dưới dạng cao nguyên chất hoặc phối hợp với nhiều chất khác dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng và dùng thích hợp cho nhiều đối tượng như thuốc dùng cho xương khớp, suy nhược, kéo dài tuổi thọ cho người già, tăng cường sinh lí cho nam giới, hoạt huyết thông mạch, cầm máu cho phụ nữ, còi xương, chậm lớn, phát triển trí não dùng cho trẻ nhỏ… Cao ban long còn được sử dụng dưới dạng mĩ phẩm, bổ sung collagen tạo thêm làn da khoẻ mạnh và trẻ trung.
Cách đây trên 30 năm, một số doanh nghiệp dược ở phía Bắc cũng đã sản xuất CBL với quy mô lớn do nguồn cung nguyên liệu (gạc hươu, nai) tương đối dồi dào từ Liên Xô cũ và Mông Cổ. Từ đó đến nay không nhập được nguồn nguyên liệu nên chỉ còn một ít cơ sở sản xuất CBL số lượng không đáng kể với phương thức “tự sản, tự tiêu”. Tuy nhiên trên thị trường vẫn có CBL, song không rõ nguồn gốc xuất xứ,chất lượng thì khó có thể tin tưởng, còn giá cả thì không thể kiểm soát nổi, có loại quá rẻ (3-400.000đ/100g), có loại quá đắt (>2.000.000đ/100g) trong đó có cả hàng của TQ không ghi nơi sản xuất. Nếu chỉ cần kiểm tra sơ bộ bằng phương pháp cảm quan (mầu sắc, mùi vị, độ trong…) so sánh với CBL thật thì cũng có thể phát hiện những hàng này khác xa với hàng mẫu.
Cũng xin được nói thêm rằng: Một số loại sừng như hươu, nai, tuần lộc, trâu và đặc biệt là sừng tê giác… đều là những nguyên liệu dùng làm thuốc rất quý, song hươu, nai không thuộc diện quản lí động vật hoang dã quý hiếm, hơn nữa sừng của con đực trưởng thành thì sau 3-4 năm nó tự rụng chứ không phải cưa, cắt ảnh hưởng sự sống của loài vật.
Ở một số nước hiện nay có nhiều trang trại chăn nuôi hươu, nai để lấy lộc nhung (sừng non của hươu, nai) và lấy gạc tự rụng để xuất khẩu mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Hi vọng ở Việt Nam, nếu đẩy mạnh việc tinh chế thuốc từ nguồn nguyên liệu này thì cũng tạo thêm điều kiện để phát triển nghề chăn nuôi hươu, nai vốn đã có từ lâu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung.
Để phát hiện CBL thật giả bằng cách cho vào cốc khoảng 3-4g CBL, hoà tan bằng 15-20ml nước sôi, khuấy cho tan hết. CBL thật sẽ tan hết không để lại cặn, có mầu nâu từ nâu nhạt đến nâu sẫm kèm theo độ sánh nhiều, ít phụ thuộc vào nồng độ và có mùi đặc biệt (chỉ hơi có mùi gây một chút)